Ảnh minh họa
5 năm trước, phải mất ít nhất 3 tháng để hạt cà phê châu Phi được vận chuyển đến Trung Quốc. Giờ đây, điều đó có thể đạt được trong một tháng hoặc ít hơn, theo Jing Jianhua, một người đàn ông đã kinh doanh cà phê trong 25 năm ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc.
Sự thay đổi đáng kể này là do việc thực hiện một loạt các biện pháp tạo thuận lợi thương mại do Trung Quốc thực hiện nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với châu Phi.
Châu Phi là một trong những khu vực sản xuất hạt cà phê quan trọng nhất thế giới. Jing cho biết, môi trường tự nhiên độc đáo và độ cao lớn khiến hạt cà phê châu Phi rất được ưa chuộng trên thị trường.
Tuy nhiên, do khoảng cách xa giữa Trung Quốc và châu Phi nên việc nhập khẩu hạt cà phê châu Phi thường phải thông qua trung gian, dẫn đến chu kỳ thu mua kéo dài, giá cả không phù hợp và chất lượng hạt cà phê không ổn định.
Bước ngoặt đến vào năm 2018, khi Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi năm 2018 diễn ra tại Bắc Kinh tuyên bố thực hiện 8 sáng kiến lớn của Trung Quốc với sự hợp tác chặt chẽ với các nước châu Phi. Trong đó các hành động tạo thuận lợi thương mại và mở rộng nhập khẩu hàng hóa châu Phi là những thỏa thuận chính của các sáng kiến.
Sau đó, kế hoạch chi tiết cho 8 sáng kiến lớn nhanh chóng trở thành hiện thực. Hội chợ triển lãm kinh tế và thương mại Trung Quốc-Châu Phi (CAETE) diễn ra tại Hồ Nam và việc thành lập Khu thương mại tự do thí điểm Trung Quốc (Hồ Nam) đã được phê duyệt, bao gồm mục tiêu khám phá các con đường và cơ chế mới cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Châu Phi.
Jing cho biết: “So với 5 năm trước, hạt cà phê châu Phi tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn, tiết kiệm đáng kể thời gian vận chuyển và giảm chi phí”.
Jing cho biết thêm, ngày nay, với sự trợ giúp của các nền tảng chính phủ, anh đã gặp được nhiều đối tác đáng tin cậy để hợp tác kinh doanh, đảm bảo chất lượng hạt cà phê châu Phi của mình.
Dữ liệu cho thấy Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong 15 năm liên tiếp.
Năm nay, thương mại Trung Quốc-Châu Phi đã đạt đến tầm cao mới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang châu Phi trong 7 tháng đầu năm nay lên tới 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 170 tỷ USD), lập mức cao mới trong cùng kỳ lịch sử.
CAETE và khu thương mại tự do thí điểm ở Hồ Nam đã cho phép nhiều sản phẩm châu Phi hơn vào Trung Quốc, trong đó bao gồm hạt cà phê.
Ngoài cà phê, trái cây họ cam quýt, bơ, ớt, hạt vừng và các sản phẩm châu Phi khác đã xuất hiện trên kệ ở nhiều thị trường khác nhau trên khắp Trung Quốc.
Lyu Daliang, Cục trưởng Cục Thống kê và Phân tích của Tổng cục Hải quan chỉ ra rằng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi ngày càng trở nên chặt chẽ. Lyu lưu ý rằng Trung Quốc cần nhiều sản phẩm châu Phi hơn và châu Phi cũng cần nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc hơn, cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn cho sự phát triển thương mại song phương.
Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ 10 của hạt cà phê Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2024, sản lượng xuất khẩu cà phê của nước ta sang láng giềng đạt hơn 36.000 tấn, trị giá hơn 153 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 31% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Global Times