Đội thêm tiền tỷ
Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm sản Sài Gòn, cho biết, công ty đang thuê một lô đất hơn 1.300 m2 trên đường Trương Định (quận 3) làm văn phòng. Thời gian qua, tiền thuê đất mỗi năm doanh nghiệp (DN) đóng cho TPHCM hơn 4,2 tỷ đồng. Theo quy định bảng giá đất mới, DN phải đóng tiền thuê đất hơn 6 tỷ đồng/năm, tăng hơn 30%. Lô đất đó thuộc diện đất thương mại dịch vụ, bị giới hạn độ cao và mật độ xây dựng so với đất ở. Do đó, tính giá trị đất ở là 50%, không phải là 80% như hiện nay. Nếu lấy giá đất đó áp dụng cho giá thuê đất của Nhà nước, giá sẽ đội lên rất nhiều. “Tiền thuê đất tăng lên hàng tỷ đồng gây khó khăn cho DN khi điều chỉnh hợp đồng đã ký với đối tác, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động… Nếu tiền thuê đất tăng, DN không thể chịu đựng nổi”, ông Ngời nói.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười, cho biết, DN bất động sản bị ảnh hưởng rất nhiều từ bảng giá đất mới. Công ty ông đang cân nhắc thực hiện một dự án tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức nhưng gặp vướng vì chi phí thuê đất tăng đột biến. “Giá đất tại khu vực này dao động khoảng 7 triệu đồng/m2, nhưng theo bảng giá đất mới , mức giá đã tăng vọt lên đến 84 triệu đồng/m2. Điều này sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh”, ông Mười nói.
Ông Trần Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Dược An Thiên, cho biết, có thuê đất tại khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 và đã trả tiền đủ một lần, thời gian thuê trong vòng 50 năm. Tuy nhiên, suốt 7 - 8 năm qua, DN chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xây dựng nhà xưởng như ý định ban đầu. “Chúng tôi được thông báo do vướng hệ số giá đất nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bây giờ có bảng giá đất mới, DN đã ký hợp đồng với các khu công nghiệp rồi thì như vậy giá đất này có bị hồi tố không? Chúng tôi có được tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng đã ký với khu công nghiệp không?”, ông Dũng băn khoăn.
Khu công nghiệp Hiệp Phước hiện có khoảng 100 DN gặp tình trạng này, có DN đã đóng tiền thuê đất 50 - 60 tỷ đồng nhưng nhà xưởng vẫn chỉ là bãi đất trống. Nhiều DN sản xuất nói rằng, tiền thuê đất tăng, chi phí sản xuất tăng nhưng giá đơn hàng không tăng, thậm chí giảm để giữ khách. Điều này chứng tỏ lợi nhuận của họ sẽ giảm đi, nhưng vẫn phải làm nhằm duy trì bộ máy và khâu sản xuất. Vấn đề mới phát sinh khiến DN lo lắng là việc tăng giá đất và tăng giá thuê đất. Đa số DN hiện nay đều phải thuê đất; giá thuê đất tăng đột ngột, lại áp dụng ngay nên họ trở tay không kịp.
Tác động rất lớn
Bảng giá đất mới làm tăng giá đất, tăng tiền thuê đất sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, dịch vụ (Ảnh minh họa)
Ngày 9/11, tại chương trình Cafe doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, nhận định, cách tính đơn giá thuê đất đề xuất có thể làm tăng chi phí thuê lên rất cao. Theo cách tính mới, giá thuê đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ tăng 35 - 50%; đất thương mại, dịch vụ tăng 18 - 53%. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của thành phố.
Tuy nhiên, ông Đào Quang Dương, Phó trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, bảng giá đất mới không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của DN. Theo ông Dương, có 2 trường hợp bị tác động trực tiếp vì bảng giá mới là khi đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thu tiền thuế đất hằng năm. “Đã có nhiều ý kiến quan ngại bảng giá đất tăng cao như thế này có ảnh hưởng đến DN bất động sản hay không, chúng tôi xin trả lời hoàn toàn không ảnh hưởng. Các yếu tố chi phí đầu vào, đầu ra của DN bất động sản cũng hoạt động nguyên tắc thị trường. Chủ đầu tư muốn có đất làm dự án thì thỏa thuận với chủ đất theo giá thị trường, chứ đâu phải căn cứ vào bảng giá đất. Nhà nước bồi thường cho người dân cũng căn cứ theo giá thị trường, không căn cứ theo bảng giá đất này”, ông Dương nói.
Liên quan giá thuê đất thương mại dịch vụ của thành phố, Sở Tài chính TPHCM vừa đề xuất quy định mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất hằng năm với nhóm thương mại, dịch vụ là 0,5 - 1,5%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất thương mại dịch vụ mục đích kinh doanh) từ 0,5 - 1%; đất nông nghiệp 0,25%, đất trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung là 0,5%.
Đối với trường hợp DN đã thuê đất 50 năm và thanh toán tiền sử dụng đất một lần trước khi áp dụng bảng giá đất mới, ông Dương nói rằng, DN thuê đất thời điểm nào áp dụng với giá thuê đã ký ở thời điểm đó, không áp dụng bảng giá đất mới cho các trường hợp đã có hợp đồng.
Bà Bùi Thị Nữ, Phó phòng Quản lý giám sát đầu tư các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, cho biết, thành phố hiện có 17 khu, trong đó 6 khu đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính nên không chịu ảnh hưởng. Đối với 11 khu còn lại đang thuê đất Nhà nước theo diện trả tiền hằng năm, nếu đơn vị nào đăng ký thuê ổn định trong 5 năm, thì 2 - 3 năm tới vẫn được áp dụng bảng giá cũ, còn lại sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn. Bà Nữ nói rằng, bảng giá đất mới tác động rất nhiều đến đơn giá thuê đất hằng năm. Hiện nay, đơn giá thuê đất được tính theo tỷ lệ 0,25 - 3% mỗi năm. “Chúng tôi đang đề xuất thành phố áp dụng tỷ lệ 0,25 - 0,3% cho đất khu công nghiệp và kỳ vọng sớm có chính thức để cộng đồng DN sớm hoàn tất nghĩa vụ, đi vào sản xuất, kinh doanh”, bà nói.
Ông Giang Văn Hiển, Cục phó Cục Thuế TPHCM, cho biết, trước thời điểm ban hành quyết định về giá đất mới, Cục Thuế TPHCM đã nhanh chóng xử lý hơn 16.000 hồ sơ thu tiền sử dụng đất trong vòng 10 ngày. Theo đó, các hồ sơ đất đai đủ điều kiện trước ngày 31/10/2024 vẫn được xử lý tính tiền sử dụng đất theo bảng giá cũ. Hồ sơ thuế nộp sau ngày 31/10 hoặc đã nộp trước ngày 31/10 nhưng chưa đủ thủ tục sẽ được áp dụng theo bảng giá đất mới.