Địa chỉ :
Ha Noi - VN
Gọi điện :
(+84) 243 203 9058
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024

Tóm tắt nội dung

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, theo các chuyên gia, hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới cần linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số, tăng cường truyền thông, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Quan trong nhất là sự chủ động kết nối của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với các địa phương trong nước để sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%.

Một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Cùng với đó, Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024- Ảnh 1.

Xuất khẩu 6 tháng năm 2024 ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long yêu cầu: “Thời gian tới, tình hình chung của thế giới còn khó khăn và khó đoán định, trong khi nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho rất nặng. Làm thế nào để chúng ta thực hiện thành công nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ và thực hiện thành công các mục tiêu về kim ngạch, mục tiêu về hợp tác kinh tế và thương mại nói chung. Hệ thống thương vụ của chúng ta ở nước ngoài, là những ăng ten ở nước sở tại, có những kiến nghị sát, rất thực tế và kiến nghị rất chuẩn để Bộ Công Thương trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho cấp lãnh đạo”.

Trong 6 tháng đầu năm, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ, công tác xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước, để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Các hội chợ, triển lãm tại thị trường nước ngoài đã và đang phát huy hiệu quả trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền của Việt nam sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm còn khá nhiều việc phải làm.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong 6 tháng cuối năm thì Cục Xúc tiến thương mại cũng tiếp tục cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại thông qua các kênh khác nhau, xúc tiến xuất khẩu cần thiết cho các đối tượng có liên quan khi có nhu cầu hoặc theo chuyên đề.

Thứ hai, đề nghị các hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với lại các đơn vị trong nước, cũng như các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, các doanh nghiệp để tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như là thương hiệu của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở trên thị trường ngoài nước. Để nhằm nâng cao được giá trị của sản phẩm thì chúng ta cần phải xây dựng và quảng bá thương hiệu trên thị trường ngoài nước”.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2024- Ảnh 2.

Dự báo năm nay xuất khẩu gạo tiếp tục tăng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 5 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 0,7%, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,16 tỷ USD tăng 1,9% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,43 tỷ USD, giảm 1,8%. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tăng, như: thủy sản đạt trên 77,4 triệu USD, rau quả đạt 26,25 triệu USD, hạt điều đạt trên 48,66 triệu USD, cà phê đạt trên 349,62 triệu USD...

Đức được biết đến là nơi quy tụ các hội chợ, triển lãm hàng đầu thế giới. Hàng năm có 150 hội chợ, triển lãm được tổ chức và thu hút hơn 10 triệu du khách. Do vậy, Việt nam cần tận dụng cơ hội này để liên kết, giao thương, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung của thị trường nhập khẩu.

“Các địa phương Việt Nam cần xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại với các bang, thành phố có thế mạnh của Đức, thế mạnh tương hỗ với từng địa phương của mình để có thể mở rộng thương mại, thu hút hợp tác công nghiệp và đầu tư. Trước mắt có thể xem xét kết nghĩa hoặc ký kết các thỏa thuận hoặc thành lập các cơ chế hợp tác để tạo khuôn khổ hợp tác cụ thể và lâu dài. Đối với các Hiệp hội, doanh nghiệp cần nghiên cứu nâng cao khả năng tiếp cận với các kênh phân phối của Đức và các kênh phân phối hàng châu Á tại Đức” - bà Đặng Thị Thanh Phương nói.

Một số thương vụ cho biết, ngoài việc triển khai nhiều sự kiện quảng bá tiềm năng công nghiệp và đầu tư ở khắp các thành phố và địa phương ở nước sở tại để giới thiệu năng lực sản xuất và trình độ công nghiệp hoá cao của Việt Nam, quảng bá cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, cũng như cụ thể từng doanh nghiệp trên trang web tiếng Anh, nhằm truyền thông cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hàng nông thủy sản của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Địa chỉ

Head Office :

Call Center

Gọi điện :
(+84) 243 203 9058