Kẻ cười, người khóc
Thời điểm này, Đắk Lắk đang vào cuối vụ thu hoạch sầu riêng. Nhiều nông dân trở thành triệu phú với thu nhập tiền tỷ khi bán được sầu riêng với giá cao nhất từ trước đến nay (hơn 80 nghìn đồng/kg trở lên). Còn người phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết lỗ mà vẫn lao theo chính là cánh thương lái và doanh nghiệp thu mua.
Sầu riêng được bóc múi, cấp đông, xuất khẩu
Bên kho sầu riêng trống trơn, bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy- chủ vựa trái cây Bình Thủy cho hay, đợt này xuất khẩu sầu riêng quả tươi rất chậm. Do đó bà Thủy phải chuyển qua hàng bóc múi, cấp đông.
Nhiều năm dọc ngang khắp chốn từ miền Tây đến Tây Nguyên thu mua, xuất khẩu sầu riêng, bà Thủy cho biết chưa năm nào thị trường lại diễn biến khó lường như năm nay. Giá sầu riêng bị “thổi” lên cao ngất ngưởng, nhiều doanh nghiệp phải lao theo để đủ nguồn hàng giao cho đối tác.
Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, thì cánh thương lái cũng không dám “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thương lái Nguyễn Văn (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) cho biết, không dám ôm hàng mà cắt theo đơn đặt hàng. Anh cũng phòng trường hợp nhập hàng cho chủ vựa nhưng không lấy được tiền như trường hợp các lái buôn đã gặp thời gian qua.
Theo anh Văn, sầu riêng bị “ngáo giá” cũng một phần do lực lượng từ môi giới (hay gọi là “cò”) bất động sản “lấn sân” sang. Tuy nhiên, sầu riêng là ngành hàng đặc thù, có thời điểm thu hoạch và phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, không giống như bất động sản, nên việc đổ bộ ồ ạt của đội ngũ này đã vô tình tạo cho ngành hàng “sầu” trở nên sốt.
Vì lao theo cơn sốt sầu riêng, thương lái Trần Thanh Thọ (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) bị “mắc cạn”, phải đến từng nhà vườn để xin giảm giá xuống. Có nhà đồng ý chia sẻ rủi ro nhưng cũng không ít trường hợp giữ nguyên giá trong hợp đồng. Anh Thọ cho biết thêm, bản thân cũng không ngờ giá sầu riêng lại bị đẩy cao đến vậy (trên 80 nghìn đồng/kg). Và anh cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó, buộc phải lao theo vì đơn hàng đã ký với đối tác. Nếu không chấp nhận đặt mua giá cao, anh không có nguồn hàng cung ứng, như thế bị mất uy tín, mất đối tác làm ăn lâu dài.
Mong manh sợi dây liên kết
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được 2 năm nay. Thế nhưng, theo các cơ quan chức năng và chuyên gia, mặt hàng này đã bị tăng trưởng nóng về diện tích đến mức cảnh báo. Trong khi đó, việc liên kết chuỗi sản xuất, xây dựng mã vùng trồng..., chưa được quan tâm.
Ông Lê Anh Trung (Đắk Lắk), Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần BVI (Đắk Lắk) cho biết, nông dân ngại liên kết để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh. Họ cũng không mặn mà việc đồng nhất quy trình sản xuất vì sản phẩm làm ra vẫn tiêu thụ được. Tuy nhiên, theo ông Trung, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sẽ ngày càng được siết chặt, yêu cầu khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến... Nếu bây giờ, nông dân không thay đổi tư duy, gắn trách nhiệm của mình với sản phẩm thì vô cùng rủi ro vì “luật chơi” do bên nhập khẩu hàng hóa đặt ra.
Trong các diễn đàn, hội nghị về nông sản nói chung và sầu riêng nói riêng, ông Trung kiến nghị cần xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng từ khâu sản xuất đến thu hái, chế biến. Bởi, nếu không có bất cứ ràng buộc pháp lý nào thì rất khó để xây dựng hàng hóa theo quy chuẩn cũng như chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm.
Để sợi dây liên kết nông sản không bị “mong manh”, bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho hay, các bên cần giữ chữ “tín”. Bà Vy kể 1 câu chuyện cảm động trong chuyến đi Đài Loan khảo sát thị trường. Một nông dân ở làng chuyên trồng quả thanh long nhất quyết không bán cho bà quả thanh long đã chín đỏ do chưa đến ngày thu hoạch, chưa đạt độ chín đúng chuẩn. Người này nói sợ khi bán, người tiêu dùng ăn không ngon, từ đó đánh giá chất lượng sản phẩm thấp, ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.
Việt Nam có hơn 112.000ha sầu riêng. Tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn. Tại Đắk Lắk (đứng thứ 2 cả nước về diện tích sầu riêng) đang có khoảng 28.600ha. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước năm 2023 đã đạt 1 tỷ USD và dự kiến tăng lên 1,5 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu tổ chức lại khâu sản xuất, có sự tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu. Các bên xác định rằng “phải cùng nhau thì mới đi lâu dài”, tránh theo “vết xe đổ” của các loại cây trồng khác...