Gần 40% kim ngạch thương mại của Nga hiện được giao dịch bằng đồng rúp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) vào hôm thứ Sáu, Tổng thống Putin cho biết các quốc gia “thân thiện với Nga” xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt vì họ sẽ định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu. “Và các quốc gia này hiện đang chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của chúng ta”, nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Ông Putin cho biết Nga sẽ tìm cách tăng tỷ trọng thanh toán bằng tiền tệ của các nước thuộc BRICS – khối các thị trường mới nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tổng thống Putin cho biết đối với hàng xuất khẩu của Nga, thanh toán bằng các loại tiền tệ của các quốc gia “không thân thiện” đã giảm một nửa trong năm qua. Thay vào đó, tỷ trọng của đồng rúp trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng, hiện ở mức gần 40%.
Tổng thống Nga đã lên một kế hoạch chi tiết nhằm cải tổ thị trường tài chính trong nước. Theo kế hoạch, Nga đặt mục tiêu đẩy giá trị thị trường chứng khoán tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này, đồng thời giảm nhập khẩu và tăng cường đầu tư vào tài sản cố định.
Phương Tây đã tìm cách cô lập nền kinh tế có quy mô 2 nghìn tỷ USD của Nga sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay bất chấp lệnh trừng phạt.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ là 2,7%. Đức, Pháp và Anh được dự báo sẽ tăng trưởng chậm và chỉ dưới 1%.
Nga cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các ngành công nghiệp quan trọng của nước này đã khiến Nga tự chủ hơn trong bối cảnh tiêu dùng tư nhân và đầu tư trong nước vẫn ổn định. Nga vẫn duy trì xuất khẩu dầu và hàng hóa sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo CNBC