Thông tin tại Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024 cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực,
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 265 tỷ USD, tăng 16% và kim ngạch nhập khẩu đạt 246 tỷ USD, tăng 18%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư hơn 19 tỷ USD, thấp hơn 4,1% so với con số thặng dư 19,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong kỳ đạt 274.035 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía doanh nghiệp, ghi nhận có hơn 50% các doanh nghiệp hài lòng về việc thông tin từ phía Hải quan. Dù hoạt động cải cách của ngành Hải quan đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiến nghị nhiều vấn đề.
6 KIẾN NGHỊ CỦA 'VUA HÀNG HIỆU'
Trong đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết: "Vẫn cần đơn giản hóa thêm thủ tục hải quan . Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời, Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để chúng ta có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới ”.
Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế tiếp tục được mở rộng và kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành Hải quan. Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất 6 kiến nghị đối để Hải Quan hỗ trợ thúc đẩy thêm quy mô xuất nhập khẩu, gồm:
+ Cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
+Cần đơn giản hóa thêm thủ tục hơn nữa để tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
+ Cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại, giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
+ Tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).
+ Cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
+ Nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan, có chính sách thương mại bán lẻ rõ ràng, hợp lý, bao gồm việc thiết lập định mức mua hàng miễn thuế có tính cạnh tranh so với quốc tế và khu vực, nhằm thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,... nơi mà các chính sách này đang được áp dụng hiệu quả.
"NGÀNH HẢI QUAN CÒN NHIỀU KHÔNG GIAN ĐỂ CẢI CÁCH"
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Ngành Hải quan vẫn còn nhiều không gian để cải cách, đặc biệt liên quan đến rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp".
Vị này nói, VCCI thời gian qua đã hợp tác với Hải quan, đo thời gian thông quan thực tế của doanh nghiệp, cho thấy dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn có thể cải cách được nữa. Cần thúc đẩy đổi mới quy trình để thủ tục xuất nhập khẩu diễn ra nhanh hơn, làm sao để doanh nghiệp có động lực tuân thủ.
Ở góc độ Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đại diện Hiệp hội bày tỏ mong muốn về một hệ thống hải quan hiệu quả và minh bạch hơn.
Theo EuroCham, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU.
FTA thế hệ mới và toàn diện này đã mở ra những cơ hội mới cho thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế. EVFTA đã giảm thuế đối với nhiều mặt hàng, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp châu Âu, và tạo điều kiện thiết lập một môi trường kinh doanh năng động.
Thương mại hàng hóa Việt Nam - EU năm 2023 liên tục tăng trưởng nhờ EVFTA. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực EU đạt 58,6 tỷ USD, chiếm 8,6% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 43,68 tỷ USD, nhập khẩu từ EU 14,9 tỷ USD.
Vị này dẫn chứng khảo sát BCI cho thấy, để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA, hệ thống quy định hải quan cần được đơn giản hóa, đảm bảo rằng hàng hóa được di chuyển một cách suôn sẻ qua biên giới và việc tuân thủ quy định được thực hiện hiệu quả.
Trong đó, cần tiếp tục tích hợp công nghệ vào quy trình hải quan sẽ rất quan trọng để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng quan tâm nhiều đến yếu tố tuân thủ, nhưng theo họ khi triển khai lại đối diện có nhiều yếu tố phụ liên quan đến chi phí, văn hóa, luật pháp.... Những vấn đề này cần sớm được khơi thông để giảm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa.
Về phía Hải quan, đại diện nhấn mạnh đã và đang hiện đại hóa hệ thống hải quan nhằm hỗ trợ vai trò ngày càng tăng của quốc gia trong thương mại toàn cầu. Hải quan cũng đã có nhiều cải cách đáng kể nhằm tinh giản quy trình, nâng cao tính minh bạch và giảm bớt các rào cản hành chính mà doanh nghiệp phải đối mặt.