Hiện nay trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, container là một trong những phương tiện được sử dụng phổ biến để đóng hàng. Container được sử dụng chủ yếu trong vận tải đường biển. Đóng hàng bằng container giúp hàng hóa được bảo quản tốt, tránh bị hư hỏng, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển so với vận chuyển bằng đường hàng không. Mỗi container thường có dạng hộp được làm bằng kim loại, có kích thước khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp từng loại container khác nhau như nào, các ký hiệu trên container có ý nghĩa ra sao,…
1. Các loại container
Thực tế container được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau như theo kích thước, theo vật liệu đóng container, theo công dụng, … Tuy nhiên đa số hiện nay khi nói tới phân loại container người ta sẽ nói tới 1 số loại phổ biến như dưới đây:
- DC (Dry container): là container khô hay còn gọi là container thường
- HC (High cube): là container cao
- RE (Reefer): là container lạnh
- HR (Hi-cube reefer): là container lạnh, cao
- OT (Open top): là container có thể mở nóc
- FR (Flat rack): là container có thể mở nắp, mở cạnh
Sức chứa của container được tính theo đơn vị TEU (twenty-foot equivalent units) – Là đơn vị tương đương 20 foot (1foot = 0,3048 m). Do đó người ta thường gọi 1 container 20 feet là 1 TEU. Vì lý do này mà các biến thể container 40 feet ~ 2 TEU, container 45 feet cũng xem như là 2 TEU.
1.1 DC (Dry container)
Container khô viết tắt là 20’DC hay 40’DC. Đây là loại cơ bản nhất, đại diện cho đơn vị tính TEU. Loại này thường được sử dụng đế đóng những hàng hoá khô, có tính chất nặng, yêu cầu ít về mặt thể tích (Ví dụ như gạo, bột, thép, xi măng, …).
1.2 HC (High cube)
Đặc điểm nổi bật với loại container này là sức chứa hàng khủng khiếp của nó. Đặc biệt, ngoài chuyên dùng để đóng hàng với kích cỡ và khối lượng lớn, còn có 1 sự lựa chọn khác chúng ta có thể sử dụng vỏ container này làm container văn phòng hoặc nhà ở container.
1.3 RE (Reefer)
Container lạnh được thiết kế để làm kho lạnh, xe đông lạnh vận chuyển hàng hóa yêu cầu cần khống chế nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với loại hàng hóa đó. Container lạnh thường có hai loại là container lạnh nhôm và container lạnh sắt. Do điều kiện nhiệt độ bên trong container khắc nghiệt nên lớp bên trong container lạnh được làm bằng inox. Với những loại container này, chi phí lưu kho bãi sẽ rất tốn kém.
1.4 HR (Hi-cube reefer)
Container lạnh, cao giống loại container lạnh, tuy nhiên là loại container chuyên chở các loại hàng hóa yêu cầu đặc biệt về sức chứa lớn.
1.5 OT (Open top)
Container mở nóc được thiết kế thuận tiện cho việc đóng hàng vào và rút hàng ra qua nóc container. Sau khi đóng hàng, nóc container sẽ được phủ bạt để tránh mưa gió ảnh hưởng tới hàng hóa. Loại container này dùng để chuyên chở hàng máy móc thiết bị.
1.6 FR (Flat rack)
Là loại container được thiết kế không vách, không mái mà chỉ có sàn là mặt bằng vững chắc, chuyên dùng để vận chuyển hàng nặng như máy móc thiết bị, sắt thép,… Container mặt bằng có loại có vách hai đầu (mặt trước và mặt sau), vách này có thể cố định, gập xuống, hoặc có thể tháo rời.
2. Kẹp chì (Seal container)
Seal container là kẹp chì container, hay được hiểu là khóa niêm phong container, được sử dụng để niêm phong thùng container trước khi xuất hàng đi nước ngoài nhằm đảm bảo hàng hóa phía trong container đầy đủ số lượng và hạn chế những ảnh hưởng tới chất lượng.
Trên những kẹp chì này được thể hiện những ký hiệu ngay trên các bề mặt chì. Những kẹp chì sẽ niêm phong hàng hóa và sẽ tự bong ra khi cửa container được mở ra. Bên vận chuyển sẽ là bên đảm bảo rằng là hàng tới cảng đích kẹp chì vẫn còn nguyên. Mỗi seal này có một dãy số serial được gọi là số Seal gồm có 6 chữ số, tùy vào số lượng sử dụng, các con số 0 sẽ được thêm vào trước để đủ 6 chữ số. Mỗi container sẽ được niêm phong một số chì duy nhất, không giống với bất kỳ số chì nào khác, nhằm đảm bảo container không được thay thế bằng seal khác. Nếu có sự thay đổi, tức hàng hóa đã có sự thay đổi, người nhập khẩu có quyền không nhận hàng, và truy cứu trách nhiệm với bên vận chuyển. Sau khi người gửi hàng đóng hàng vào container và kẹp chì thì số seal này sẽ được khai báo lên các chứng từ để các bên có thể nắm được như: P/L, B/L, C/O.