Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) thông tin, kết thúc ngày giao dịch 9/10, giá cà phê Robusta giảm thêm 1,44%, về mức thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới nên tâm lý thị trường tích cực hơn về nguồn cung, từ đó gây sức ép lên giá.
Giá cà phê Robusta giảm nhẹTừ đầu tháng 10, nông dân Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24. Thời tiết diễn biến thuận lợi, khô ráo vào ban ngày đã tạo điều kiện để nông dân đẩy nhanh quá trình thu hoạch. Đây là cơ hội giúp Việt Nam sớm đẩy mạnh xuất khẩu, bù đắp phần nào những thiếu hụt về nguồn cung trong thời gian trước. Ngày hôm nay, thị trường cà phê dành quan tâm đến dữ liệu thống kê tháng 9 của Tổng cục Hải quan để đánh giá tình hình xuất khẩu cà phê của nước ta trong giai đoạn qua.
Bất chấp mức giảm mạnh của Robusta, giá Arabica có phiên giao dịch đầy giằng co và đóng cửa với giá không đổi so với tham chiếu. Dù gặp phải mức chặn dưới nhưng tình hình xuất khẩu cà phê tích cực tại Brazil khiến giá không thể bật tăng trong phiên hôm qua.
Theo thống kê sơ bộ trong 6 ngày đầu tháng 10 của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất 869.116 bao cà phê loại 60kg, tăng 30% so với mức 666.533 bao trong cùng kỳ tháng trước. Trong đó, Arabica dạng hạt tiếp tục là dòng cà phê được đẩy mạnh với 759.355 bao đã xuất khẩu trong thời gian này, tăng 48% so với mức 512.161 bao vào 6 ngày đầu tháng 9.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục giảm mạnh 500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 63.200 - 63.800 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê nội địa đã giảm sâu liên tục 7 ngày, với tổng luỹ kế giảm lên tới 3.000 đồng/kg.
Về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 8/2023 đạt xấp xỉ 67,9 nghìn tấn, trị giá 168,58 triệu USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng 8/2022.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ đạo của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,07 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường giảm, gồm: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Anh, Philippines… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường tăng, gồm: Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga…
Việt Nam là một trong những nguồn cung cà phê lớn nhất thế giớiBên cạnh cà phê Robusta, Việt Nam có nguồn cà phê Arabica đặc sản với giá trị cao và khá dồi dào, tập trung tại Sơn La, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi cho trồng cà phê Arabica. Tuy nhiên, cà phê Sơn La chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, vì vậy kể cả người Việt Nam thì cũng chưa biết rằng khu vực Tây Bắc lại có cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica.
Để nâng cao giá trị cho hạt cà phê, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chế biến sâu. Đơn cử, Công ty CP Cà phê Detech đã xây dựng được các sản phẩm chế biến chất lượng cao, sản phẩm đặc sản xuất khẩu gián tiếp và trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu, New Zealand, thị trường Mỹ…
Hoặc, HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La) đang liên kết với 800 hộ đồng bào để chuyển sang trồng cây cà phê đặc sản, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ sơ chế và chế biến. Hiện nay cà phê đặc sản làm hàng xuất khẩu của HTX đã lên đến 97%, lượng còn lại phục vụ nội địa.
Bằng việc trồng và chế biến rang xay, hiện nay sản phẩm của HTX mang lại cho người trồng, HTX thu nhập ổn định. Hiện nay cà phê Arabica đặc sản xuất khẩu có thể lên đến 230.000 – 270.000/kg, mang lại giá trị tốt cho người trồng và HTX.